Đồ hộp nhiễm độc: ăn là liệt!
Đồ hộp là một dạng thực phẩm dự trữ phổ biến từ lâu, nhưng nếu mua và sử dụng không cẩn thận, người ăn có thể bị ngộ độc. Đã có nhiều trường hợp bị liệt vận động do nhiễm độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum (C. botulinum) phát triển trong loại thực phẩm này.
Đồ hộp là một dạng thực phẩm dự trữ phổ biến từ lâu, nhưng nếu mua và sử dụng không cẩn thận, người ăn có thể bị ngộ độc. Đã có nhiều trường hợp bị liệt vận động do nhiễm độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum (C. botulinum) phát triển trong loại thực phẩm này.
Chân dung thủ phạm C. botulinum
C. botulinum là một loại vi khuẩn kỵ khí gram dương, có khả năng sinh nha bào (vỏ) khi gặp điều kiện sống không thuận lợi. Nha bào của vi khuẩn có thể chịu được nhiệt độ 1200C trong bốn phút. C. botulinum sống trong đất, bùn, bụi bẩn, ruột cá, ruột gia súc và đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, môi trường kín như thịt hộp để lâu ngày. Độc tố do C. botulinum sinh ra là loại độc tố thần kinh (neurotoxin) có bản chất là chuỗi polypetide với phân tử lượng 150kDa với các type A, B, E gây độc ở người. Độc tố này có thể bị phân huỷ ở nhiệt độ 800C trong 30 phút và 1000C trong mười phút. Độc tính của neurotoxin rất mạnh, chỉ cần 0,03mg là đủ gây tử vong ở người lớn.
C. botulinum gây ra ba thể bệnh chính. Thứ nhất là thể nhiễm qua thức ăn. Tất cả các loại thức ăn đều có thể bị nhiễm nếu bảo quản không kỹ nhưng nguồn lây bệnh chủ yếu là qua các loại đồ hộp có độ axít thấp như: đậu, bắp, củ cải đường. Thịt hộp, cá hộp cũng là một nguồn lây bệnh tiềm tàng. Vi khuẩn C. botulinum phát triển trong các loại thực phẩm nói trên, sinh độc tố và nếu ăn phải loại thức ăn này, các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 18 – 36 giờ. Cá biệt có trường hợp bệnh xuất hiện sớm sau ăn vài giờ hoặc muộn hơn, sau vài ngày. Thể bệnh thứ hai do C. botulinum gây ra là thể ở trẻ em, chủ yếu là trẻ dưới một tuổi và nhất là sáu tháng đầu sau đẻ. Nguyên nhân chủ yếu là cho trẻ ăn phải thức ăn như mật ong, sữa, bột... có nhiễm C. botulinum ở dạng nha bào. Sau khi vào đường tiêu hoá, C. botulinum sẽ phát triển và sinh ngoại độc tố.
C. botulinum không xâm nhập được qua vùng da lành, nhưng nếu da bị tổn thương thì rất dễ nhiễm bệnh. Thể nhiễm C. botulinum qua vết thương hay gặp ở người tiêm chích ma tuý, người bị các vết thương nhỏ nhưng không chú ý sát trùng đầy đủ khiến vi khuẩn xâm nhập, nhân lên và sinh độc tố.
Ngoài ra, trên thực nghiệm ở khỉ, độc tố của C. botulinum cũng có thể gây bệnh nếu được hít qua phổi.
Phát hiện và điều trị
Độc tố của C. botulinum khi vào cơ thể sẽ ngăn chặn sự giải phóng một chất dẫn truyền thần kinh là acetylcholine tại các đầu mút thần kinh tiền sinap. Vì vậy, các xung động thần kinh sẽ bị ngưng trệ dẫn đến triệu chứng liệt vận động, có thể gây liệt toàn thân. Các dấu hiệu bao gồm nói khó, khó nuốt, khô miệng, liệt mặt, liệt các dây thần kinh vận nhãn gây nhìn đôi, sụp mi; khi liệt các cơ hô hấp (cơ liên sườn, cơ hoành, cơ ức đòn chũm, cơ thang) thì gây khó thở thậm chí ngừng thở dẫn đến tử vong.
Thể bệnh nhiễm qua thức ăn thường có triệu chứng đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy. Táo bón có thể xuất hiện sau khi đã có các triệu chứng liệt cơ. Ở trẻ em, táo bón thường là dấu hiệu đầu tiên trước khi xuất hiện yếu cơ, khóc yếu, thở yếu, chảy nước dãi, sụp mi, bỏ bú hoặc không bú được, suy hô hấp và liệt cơ toàn thân.
Tất cả các trường hợp nhiễm C. botulinum cần được theo dõi sát sao tại các cơ sở y tế để phát hiện dấu hiệu liệt cơ. Thuốc có hiệu quả nhất hiện nay đang được sử dụng là globulin miễn dịch botulism dùng đường tiêm tĩnh mạch (Botulism Immune Globulin Intravenous Human – BIG – IV). Kháng độc tố C. botulinum được chiết xuất từ ngựa cũng thường được sử dụng với liều 50.000 – 100.000 đơn vị. Khi đã có biểu hiện suy hô hấp, hết sức chú ý các dấu hiệu ho khạc, thở gắng sức bằng các cơ hô hấp phụ... để có chỉ định đặt ống nội khí quản cho thở máy. Tiên lượng của bệnh nhiễm C. botulinum thì tuỳ mức độ liệt cơ. Nếu đã liệt nhiều cơ, nhất là cơ hô hấp phải thở máy, tỷ lệ tử vong có thể tới 60 – 70%.
Làm sao phòng ngừa?
Dự phòng nhiễm C. botulinum chủ yếu là ăn chín uống sôi, không ăn các thức ăn nghi ngờ ôi thiu hoặc cất giữ quá lâu. Khi mua tất cả các loại thực phẩm có bao bì đóng gói, trong đó có thực phẩm đóng hộp, nên đọc kỹ hạn dùng, số đăng ký chất lượng sản phẩm, cơ sở sản xuất... để thu nhận thông tin và phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng. Một số loại đồ hộp được tân trang, sửa hạn dùng rất tinh vi. Dù còn hạn dùng cũng không mua, ăn các loại đồ hộp có vỏ thủng, vỡ, móp méo, gỉ sét, phồng lên, thực phẩm trong hộp đã mốc, mất màu sắc tự nhiên hoặc đổi mùi.
Nên mua thực phẩm đóng hộp bán ở các siêu thị hoặc các cửa hàng lớn vì ở đó có chế độ bảo quản đúng cách, tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trường hợp thực phẩm đóng hộp trong điều kiện có thể dùng được nhưng còn nghi ngờ, nên luộc sôi, đun nóng kỹ trước khi ăn.
Theo SGTT