Giải mã cơn đau thắt ngực

     Cơn đau thắt ngực hay đau ngực do bệnh mạch vành, là một cảm giác khó chịu vùng ngực thường tái phát nhiều lần.

     Cơn đau thắt ngực hay đau ngực do bệnh mạch vành, là một cảm giác khó chịu vùng ngực thường tái phát nhiều lần. Vì vậy cần có các biện pháp thích hợp để khống chế và phòng ngừa.

    Cơn đau thắt ngực xảy ra khi cơ tim không được cung cấp đủ máu và ôxy để đáp ứng nhu cầu hoạt động của nó. Đó là nguyên nhân tại sao bạn cảm thấy đau ngực trong khi hoạt động thể lực hoặc khi xúc động. Đây là những lúc nhịp tim và huyết áp của bạn tăng nên cơ tim cần nhiều ôxy hơn.

    Điều trị nội khoa

    Nitroglycerin

    Nitroglycerin có tác dụng rất tốt làm giảm triệu chứng hay dự phòng cơn đau ngực. Khi có triệu chứng đau ngực, người bệnh thường được uống ngậm một viên thuốc nhỏ ở dưới lưỡi hay xịt thuốc dưới lưỡi. Thuốc cũng có dạng cao dán dùng để dán trước ngực khi người bệnh có cơn đau thắt ngực.

    Đau thắt ngực xảy ra khi cơ tim không được cung cấp máu và ôxy đầy đủ.

    Nếu bác sĩ đã chỉ định bạn cần phải dùng thuốc thuộc nhóm nitroglycerin, bạn cần nhớ luôn mang thuốc theo bên mình. Một điều cũng rất quan trọng là phải sử dụng thuốc đúng như chỉ định của bác sĩ.

    Trước khi bắt đầu một hoạt động có thể gây ra cơn đau thắt ngực, bạn có thể dùng một viên thuốc để dự phòng. Khi cơn đau ngực của bạn không hết, kể cả sau khi bạn dừng công việc vài phút hay cơn đau ngực xảy ra khi bạn đang nghỉ ngơi, hãy uống một viên thuốc và sau đó bạn nên tới bác sĩ càng sớm càng tốt. Hãy hỏi bác sĩ xem bạn cần phải làm gì nếu thuốc không hết cơn đau hay nếu cơn đau bắt đầu xuất hiện dày hơn và nặng hơn. Những cơn đau với tính chất trên thường là báo hiệu tình trạng không ổn định của mảng xơ vữa và có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề như nhồi máu cơ tim nếu không có chế độ điều trị thích hợp.

    Các loại thuốc điều trị khác

    Ngoài nitroglycerin, bạn còn cần dùng thêm aspirin.Đây là thuốc cơ bản trong điều trị các bệnh lý mạch vành. Dùng aspirin lâu dài đã được chứng minh làm giảm nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim cũng như tỷ lệ tử vong ở người có cơn đau thắt ngực.

    Một loại thuốc khác có thể được dùng là thuốc nhóm chẹn beta giao cảm. Những loại thuốc này giảm gánh nặng cho tim do làm giảm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim và hạ huyết áp. Thuốc có tác dụng phòng cơn đau thắt ngực rất tốt. Tuy nhiên, cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ.

    Một nhóm thuốc tương tự với nhóm chẹn beta giao cảm là thuốc chẹn kênh canxi. Thuốc cũng có tác dụng phòng đau thắt ngực do làm chậm nhịp tim và giảm co bóp cơ tim. Ngoài ra, thuốc còn làm giãn động mạch vành, giống như tác dụng của nitroglycerin.

    Bác sĩ sẽ cho bạn dùng các loại thuốc để chữa tăng huyết áp, rối loạn lipid máu (đặc biệt là nhóm statin), chữa đái tháo đường… nếu bạn có các rối loạn này đi kèm.

    Nếu điều trị bằng thuốc không kiểm soát được cơn đau ngực của bạn, có thể bạn sẽ cần đến can thiệp động mạch vành qua da. Kỹ thuật này có thể giúp mở thông các dòng máu bị hẹp/tắc, tăng cường dòng máu tới nuôi cơ tim được nuôi bởi động mạch bị tổn thương.

    Phẫu thuật

    Trong trường hợp hệ thống động mạch vành của bạn bị tổn thương nhiều vị trí hay không phù hợp cho can thiệp, bạn có thể được chỉ định cần phẫu thuật để bắc cầu nối chủ - vành. Đây là phương pháp tạo một cầu nối đi từ động mạch chủ đến phía sau vị trí tổn thương của mạch vành nhằm cấp máu cho vùng cơ tim đang thiếu máu. Cầu nối thường làm từ động mạch hay tĩnh mạch của chính bạn. Mỗi một động mạch bị tắc sẽ cần ít nhất một cầu nối.

    Phòng ngừa tái phát cơn đau thắt ngực

    Bạn có thể thay đổi cách sống của mình để giảm nguy cơ tái phát cơn đau thắt ngực. Hãy kiểm soát hoạt động thể lực, tránh các sang chấn tinh thần (stress), tránh các thói quen ăn uống không có lợi cho sức khoẻ, hạn chế uống rượu, bỏ thuốc lá và tránh khói thuốc, kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo, bạn sẽ có cuộc sống dễ chịu hơn và khoẻ mạnh hơn.

    Theo SKDS