Hội chứng sa sút tâm thần
Trong xã hội hiện đại ngày nay, số người cao tuổi (NCT) nhiều. Đi kèm với tuổi cao, một số người có nguy cơ mắc hội chứng sa sút tâm thần ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, số người cao tuổi (NCT) nhiều. Đi kèm với tuổi cao, một số người có nguy cơ mắc hội chứng sa sút tâm thần ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hội chứng bệnh lý này hiện nay chưa có thể chữa trị khỏi được, vì vậy cần phát hiện sớm để có biện pháp xử trí, chăm sóc kịp thời và phù hợp.
Nguyên nhân dẫn đến sa sút tâm thần
Sa sút tâm thần có thể nói là một hội chứng đặc trưng ở NCT do bị suy giảm các chức năng nhận thức nhưng không suy giảm ý thức. Phần lớn các chức năng nhận thức bị suy giảm trong hội chứng sa sút tâm thần bao gồm sự suy giảm tình trạng trí tuệ chung, khả năng học tập và trí nhớ, ngôn ngữ, giải quyết các vấn đề, sự chú ý và tập trung, sự phán xét và những khả năng giao tiếp xã hội; ngoài ra nhân cách của người bệnh cũng có thể bị ảnh hưởng. Trên thực tế, hội chứng sa sút tâm thần chủ yếu là bệnh của NCT, theo thống kê ghi nhận những người trên 65 tuổi bị mắc hội chứng này chiếm khoảng 5 - 15% dân số. Nguyên nhân gây nên hội chứng sa sút tâm thần phần lớn do bị mắc bệnh Alzheimer chiếm tỉ lệ khoảng 50%, số còn lại do mắc bệnh mạch máu với tỉ lệ từ 15 - 30% hoặc phối hợp cả hai loại bệnh lý này với tỉ lệ từ 10 - 15% và một số các nguyên nhân khác... Các nhà khoa học ghi nhận các nguyên nhân thường gặp gồm: sa sút tâm thần Alzheimer, sa sút tâm thần mạch máu, bệnh Pick, bệnh Creutzfeldt-Jakob, bệnh Huntington, bệnh Parkinson, sa sút tâm thần và nhiễm HIV, sa sút tâm thần do chấn thương sọ não; một số các nguyên nhân khác như sử dụng ma túy, nhiễm độc tố, nghiện rượu, bệnh não nước áp lực bình thường, bệnh giang mai thần kinh, viêm não siêu vi, viêm màng não do nấm, thiếu vitamin B1 và B12, suy gan, suy thận nặng, bệnh lupus và các bệnh mạch máu collagen có viêm mạch máu não...
Người bệnh cao tuổi mất dần khả năng nhớ, học tập, tư duy và phán đoán
Hội chứng sa sút tâm thần xảy ra ở NCT là một gánh nặng cho những người thân trong gia đình của bệnh nhân cũng như tại các cơ sở dưỡng lão vì người bệnh phải được giúp đỡ và chăm sóc cho đến suốt đời.
Dấu hiệu lâm sàng
Sa sút tâm thần là một hội chứng rối loạn tâm thần, trong đó người bệnh cao tuổi mất dần khả năng nhớ, học tập, tư duy và phán đoán.
Hội chứng sa sút tâm thần thường khởi phát bắt đầu với biểu hiện khó tập trung chú ý và có rối loạn trí nhớ ngắn hạn, có những sự kiện có thể xảy ra trong quá khứ đã lâu nhưng vẫn nhớ, trong khi đó lại thường quên đi sự việc vừa mới xảy ra. Tình trạng rối loạn trí nhớ ngày càng nặng nề hơn, bị lẫn lộn hết mọi sự việc và mọi người ở chung quanh; ngôn ngữ của bệnh nhân chỉ còn như hình thức nhắc lại; các động tác cơ bản cần thiết cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như mặc quần áo, ăn uống... hầu như bị mất hết. Hội chứng sa sút tâm thần ở NCT hiện nay chưa có biện pháp chữa trị khỏi bệnh được, tuy nhiên cũng phải cần quan tâm theo dõi để phát hiện, chẩn đoán đúng nhằm có sự can thiệp giúp đỡ, chăm sóc kịp thời và phù hợp; chủ động phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Khi đối diện với một người bị sa sút tâm thần, dù thế nào đi nữa cũng phải đối xử đúng mực, tôn trọng người bệnh, không nên xem họ như một kẻ “lú lẫn” không biết gì và không cần quan tâm.
Trong những giai đoạn sớm của hội chứng sa sút tâm thần, NCT mắc bệnh vẫn có khả năng thích nghi được với những tình huống quen thuộc nếu thường xuyên nhắc nhở, đồng thời có thể trợ giúp thêm cho họ các hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày; nên viết cho họ một thời gian biểu về những công việc phải làm trong ngày để họ tự thu xếp công việc và đánh dấu vào những việc đã làm xong.
Một số tình huống có thể xảy ra đối với NCT bị mắc hội chứng sa sút tâm thần cần lưu ý để phát hiện với những biểu hiện như: khó nói do quên từ vựng hoặc nói năng lưu loát nhưng vô nghĩa; khó tự mặc quần áo; không kiểm soát được các cơ trơn của bàng quang và đường tiêu hóa dẫn đến đi tiểu tiện và đại tiện không tự chủ; có các hành vi gây rối loạn trật tự xã hội, không mặc quần áo ở nơi công cộng, chửi bới, có những hành động không thích hợp hoặc không hợp tác; bị lạc đường đi, không nhớ đường về nhà; thường hay hỏi đi hỏi lại một sự việc; có thái độ hung dữ...
Phân biệt giảm trí nhớ ở bệnh Alzheimer với NCT bình thường
Như trên đã nêu, nguyên nhân gây nên hội chứng sa sút tâm thần phần lớn xuất phát từ bệnh Alzheimer, tuy vậy trên thực tế cũng cần phân biệt sự suy giảm trí nhớ ở người bệnh bị mắc bệnh Alzheimer với NCT bình thường. Bệnh Alzheimer thường khởi phát rất chậm và dần dần theo thời gian sẽ trở nên nặng hơn. Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên thường là thay đổi tính tình và suy giảm trí nhớ. Người bệnh trở nên dễ mệt mỏi, tức giận hoặc lo âu; thường hay quên đồ dùng của mình để chỗ nào nên mất nhiều thời gian tìm kiếm, ủi quần áo hoặc vặn vòi nước thường quên tắt điện hoặc tắt nước sau khi sử dụng xong, đi đến ở những nơi quen thuộc thì dễ dàng nhưng nếu đến ở những nơi xa lạ thì thường dễ bi lạc đường...
Sự suy giảm trí nhớ ở những người bị mắc bệnh Alzheimer khác hẳn với sự suy giảm trí nhớ nhẹ có thể gặp ở những NCT bình thường. Một số dấu hiệu sau đây dẫn chứng cho sự khác biệt này như: Bệnh nhân Alzheimer thường quên toàn bộ các sự kiện, không thể nhớ đã ăn bữa chưa, hiếm khi nhớ lại được sau đó; thường phủ nhận sự suy giảm trí nhớ và tìm cách che dấu, tìm cách thay đổi chủ đề câu hỏi, nói đùa...; các kỹ năng đọc, viết thường giảm sút nặng nề; thường không thể tuân theo các hướng dẫn bằng lời nói hay chữ viết; không thể sử dụng các ghi chép nhắc nhở; giảm khả năng tự chăm sóc bản thân ngày càng tăng... Còn đối với NCT bình thường bị suy giảm trí nhớ nhẹ thường quên một phần của sự kiện, nhớ là đã ăn bữa xong nhưng không thể nhớ đã ăn tráng miệng bằng loại trái cây nào, thường có thể nhớ lại sau đó; sẵn sàng chấp nhận bản thân mình bị suy giảm trí nhớ và thường yêu cầu người khác giúp mình nhớ lại; các kỹ năng đọc, viết thường vẫn còn nguyên vẹn; có thể thực hiện tuân theo các hướng dẫn bằng lời nói hay chữ viết; có thể sử dụng các ghi chép nhắc nhở; thường có đủ khả năng tự chăm sóc bản thân.
Biện pháp xử trí, can thiệp
Theo các nhà khoa học, có hai hình thức xử trí can thiệp có thể áp dụng cho những NCT bị mắc hội chứng sa sút tâm thần là định hướng hiện thực và hồi tưởng ký ức.
Biện pháp định hướng hiện thực nhằm mục đích hướng dẫn cho NCT vào hiện thực, khuyến khích họ ý thức về những gì đang xảy ra ở chung quanh, lôi kéo họ vào những sự kiện đang diễn ra ở chung quanh. Khi thực hiện các biện pháp định hướng hiện thực, cần phải nhạy cảm trước tình cảm của NCT, sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi yêu cầu có thể có được.
Biện pháp hồi tưởng ký ức là một hình thức, kỹ thuật cho phép cải thiện được mối liên hệ của NCT đối với thực tại. Khi sự hồi tưởng được tiến hành sẽ giúp cho NCT thúc đẩy quá trình giao tiếp, làm cho họ cảm thấy bớt cô đơn, duy trì được lòng tự trọng..
Người thân trong nhà cần có sự hiểu biết về hội chứng sa sút tâm thần ở NCT để theo dõi, phát hiện và có biện pháp xử trí, chăm sóc, giúp đỡ họ phù hợp. Cần lưu ý phân biệt tình trạng giảm trí nhớ trong trường hợp bị mắc bệnh sa sút tâm thần Alzheimer chiếm tỉ lệ cao trong các hội chứng sa sút trí tuệ và hiện tượng suy giảm trí nhớ nhẹ ở NCT bình thường để xác định. Theo các nhà khoa học, hội chứng sa sút tâm thần ở NCT là một bệnh lý càng lúc càng tiến triển nặng theo thời gian của tuổi tác và khó chữa khỏi được bệnh; vì vậy biện pháp xử trí can thiệp chủ yếu là người thân trong gia đình phải hỗ trợ định hướng hiện thực và hồi tưởng ký ức để giúp người bệnh hạn chế những khiếm khuyết xảy ra trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày.