Ngăn ngừa nguy cơ dịch tả

     Hiện nay ở phía Nam nước ta đã có dấu hiệu xuất hiện tiêu chảy cấp nghi do vi khuẩn tả. Đây là một bệnh xảy ra nhanh, diễn biến phức tạp, nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong và có nguy cơ lây lan thành dịch.

     Hiện nay ở phía Nam nước ta đã có dấu hiệu xuất hiện tiêu chảy cấp nghi do vi khuẩn tả. Đây là một bệnh xảy ra nhanh, diễn biến phức tạp, nếu không xử trí kịp thời, người bệnh có thể tử vong và có nguy cơ lây lan thành dịch.

    Vì sao mắc tả?

    Bệnh tả xuất hiện khi có vi khuẩn tả có ở người mắc bệnh tả hoặc người lành mang vi khuẩn tả đào thải ra môi trường. Vi khuẩn được đào thải theo phân của hai đối tượng này ra ngoài, từ đó môi trường (nước, thực phẩm và các loại sò, ốc, hến, tôm, cua bị nhiễm vi khuẩn), từ đây chúng sẽ xâm nhập vào người theo đường ăn, uống, nếu con người chưa có miễn dịch chống vi khuẩn tả thì nguy cơ mắc bệnh là rất lớn. Theo các nghiên cứu thì vi khuẩn tả có thể tồn tại trong nhiều loại động vật sống ở các vùng nước ngọt, nước lợ và nước mặn, đặc biệt là trong tôm, cua, ốc, hến, sò... Và các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy dịch tả thường bùng phát vào thời kỳ sinh sản mạnh của các động vật này.


    Nguồn nước, thực phẩm ô nhiễm là nguyên nhân gây dịch tiêu chảy.

    Triệu chứng và cách điều trị

    Bệnh tả là bệnh có triệu chứng đặc trưng là tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây ra. Tuy vậy, khi vi khuẩn tả xâm nhập vào đường tiêu hóa (theo thức ăn, nước uống bị nhiễm vi khuẩn tả) sẽ biểu hiện nhiều trạng thái khác nhau chứ không phải lúc nào cũng xuất hiện tiêu chảy rầm rộ. Đó là các trạng thái tiêu chảy nhẹ (ngày vài ba lần), tiêu chảy nặng, tiêu chảy trầm trọng (tiêu chảy nhiều lần trong một ngày/đêm, phân toàn nước và có màu như nước vo gạo) hoặc có trạng thái không gây bệnh mà trở thành người lành mang vi khuẩn. Đây là một dạng hết sức nguy hiểm về mặt dịch tễ học, vì từ những người này mà vi khuẩn tả luôn đào thải theo phân ra môi trường bên ngoài làm ô nhiễm cho cộng đồng và nguy cơ cao dịch tả bùng phát.

    Với trạng thái bệnh nặng hoặc trầm trọng thường có biểu hiện các triệu chứng tiêu chảy dữ dội (có khi ra toàn nước), buồn nôn, nôn mửa, yếu cơ, bị chuột rút, mạch nhanh, nhỏ (khó bắt mạch) dẫn đến trụy tim mạch. Nếu không cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao, nếu qua khỏi cơn nguy kịch, có thể bị suy thận.

    Nguyên tắc điều trị: Ưu tiên hàng đầu là bù nước và chất điện giải, càng sớm càng tốt. Khi chưa kịp đến cơ sở y tế để truyền dịch thì uống nước oresol, nước gạo rang. Khi đã đến cơ sở y tế đủ điều kiện thì truyền dịch là biện pháp chạy đua với tử thần. Bên cạnh đó, luôn luôn theo dõi mạch, huyết áp. Sau đó là dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.


    Hình ảnh vi khuẩn tả dưới kính hiển vi.

    Lời khuyên của bác sĩ

    Để phòng bệnh, cần vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường bằng biện pháp thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình cần có hố xí hợp vệ sinh, không đi ngoài bừa bãi, nhất là trẻ nhỏ. Tuyệt đối không đổ các chất thải (rác, phân) xuống ao, hồ. Ở các vùng trồng hoa màu, tuyệt đối không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng. Cần thực hiện ăn chín, uống chín (không ăn rau sống, tiết canh, nem chạo, nem chua, các loại động vật chưa nấu chín và thịt tái). Không ăn các loại thực phẩm đã nấu trước đó trên 6 giờ, nhất là các loại thực phẩm, thức ăn của bữa ăn trước hoặc thực phẩm nấu chín đã quá thời gian sử dụng. Nếu muốn sử dụng lại, cần đun nấu kỹ. Ở vùng đang có dịch hoặc nghi ngờ có bệnh tả, cần hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, đám giỗ, cưới hỏi, liên hoan tiệc tùng. Các bà nội trợ cần chọn các loại thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ và còn hạn sử dụng. Cần tích cực diệt ruồi, nhặng, gián, vì đây là các loại côn trùng đóng vai trò mang vi khuẩn tả làm ô nhiễm thực phẩm, thức ăn.

    Việc xử lý nguồn nước sinh hoạt ở khu vực nghi ngờ hay đã có bệnh tả, dịch tả đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng, ngừa bệnh. Vì vậy, cần xử lý nguồn nước ăn uống và nước sinh hoạt bằng các hợp chất chứa cloramin B theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế xã, phường.

    Đồ dùng trong ăn, uống (cốc, chén, bát, đũa,...) cần rửa sạch, sát khuẩn bằng cách đun sôi là biện pháp dễ thực hiện và có hiệu quả cao. Để có kháng thể chống lại vi khuẩn tả, cần sử dụng vaccin, vì vậy, mỗi khi có chủ trương phòng bệnh tả bằng vaccin của y tế cơ sở mọi người cần tích cực tham gia.

    Theo SKDS