Trị mụn trứng cá bằng thuốc, cần lưu ý gì?
Mụn trứng cá là một bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, song gặp nhiều nhất ở lứa tuổi dậy thì, vị thành niên với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trứng cá làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tâm lý của người bệnh, làm người bệnh trở nên mất tự tin, lo lắng và thậm chí bị trầm cảm...
Mụn trứng cá là một bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, song gặp nhiều nhất ở lứa tuổi dậy thì, vị thành niên với các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trứng cá làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ, tâm lý của người bệnh, làm người bệnh trở nên mất tự tin, lo lắng và thậm chí bị trầm cảm...
Một số thuốc thường được sử dụng trong điều trị trứng cá như benzoyl peroxide, salicylic acid, lưu huỳnh, lưu huỳnh với resorcinol và một số thảo dược. Khi dùng các thuốc này cần lưu ý:
Benzoyl peroxide: Đây là thuốc sử dụng rộng rãi trong điều trị mụn trứng cá, có nhiều nồng độ từ 2,5- 20% trong các dạng bào chế khác nhau. Nồng độ tối đa có sẵn như là một sản phẩm OTC là 10%. Benzoyl peroxide có đặc tính chống viêm và là một tác nhân diệt khuẩn thâm nhập vào lớp hạ bì và đi vào nang pilosebaceous, tạo ra gốc tự do ôxy hóa các protein trong màng tế bào của vi khuẩn và do đó làm giảm mụn trứng cá.
Tuy nhiên, phản ứng bất lợi của thuốc có thể xảy ra bao gồm khô da quá mức, bong da, bong tróc da, ban đỏ và phù nề (những tác động này có thể được giảm bằng cách sử dụng nồng độ thấp hơn), cảm giác châm chích, tăng nhạy cảm da với ánh sáng. Ngoài ra, thuốc có thể gây tẩy trắng tóc, quần áo, khăn trải giường... nếu để thuốc dây vào.
Salicylic acid: Thuốc có tác dụng làm tróc mạnh lớp sừng da và sát khuẩn nhẹ khi bôi trên da và được dùng điều trị mụn trứng cá thường. Không dùng cho người mẫn cảm với thuốc hay bất kỳ thành phần nào trong chế phẩm. Không dùng trên diện da rộng, da bị nứt nẻ, dễ nhạy cảm hoặc trên niêm mạc. Khi bôi thuốc có thể xảy ra hiện tượng kích ứng da nhẹ, cảm giác bị châm đốt... Có thể xảy ra hiện tượng loét hoặc ăn mòn da, đặc biệt khi dùng chế phẩm có acid salicylic nồng độ cao. Nếu lạm dụng dùng dài ngày trên diện rộng có thể bị ngộ độc salicylat với các triệu chứng lú lẫn, chóng mặt, đau đầu nặng...
Lưu huỳnh và lưu huỳnh kết hợp với resorcinol: Thuốc có tác dụng kháng khuẩn được sử dụng tại chỗ để điều trị ngắn hạn mụn trứng cá ở nồng độ từ 3-10%. Lưu huỳnh 3-8% có thể được kết hợp với resorcinol 2% để tăng hiệu quả của lưu huỳnh. Tuy nhiên, bất lợi có thể xảy ra khi dùng các sản phẩm này như có mùi của lưu huỳnh, màu sắc bất thường trên da (có hồi phục)...
Ngoài ra, một số sản phẩm thảo dược cũng có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá. Thành phần của các sản phẩm này thường gồm như acid glycolic, dầu cây trà và kẽm. Glycolic acid nồng độ 70% có thể được sử dụng trong đắp mặt nạ, cải thiện đáng kể vết sẹo mụn, trong khi nồng độ 15% có hiệu quả như một kem dưỡng da hàng ngày hoặc sữa rửa mặt. Đối với dầu cây trà 5% được so sánh với benzoyl peroxide 5% có tác dụng làm giảm đáng kể số lượng tổn thương viêm và mụn trứng cá. Dầu cây trà có thể là một điều trị thay thế cho những bệnh nhân không thể chịu đựng được các tác dụng phụ của benzoyl peroxide...
Như vậy, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được dùng để điều trị mụn trứng cá với nhiều tên gọi khác nhau, dạng bào chế và được tiếp thị theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, để an toàn và hiệu quả nhất, khi bị trứng cá người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được dùng thuốc và những lời khuyên thích hợp nhất. Ngoài việc dùng thuốc, cần vệ sinh da sạch sẽ, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống đầy đủ dưỡng chất...
Theo SKDS