Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là một bệnh mạn tính, tiến triển, xâm phạm tới hệ ngoại tháp ở não làm mất cân bằng trong hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh, dẫn đến rối loạn chức năng vận động, thường gặp ở người cao tuổi.
Bệnh Parkinson là một bệnh mạn tính, tiến triển, xâm phạm tới hệ ngoại tháp ở não làm mất cân bằng trong hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh, dẫn đến rối loạn chức năng vận động, thường gặp ở người cao tuổi. Việc sử dụng thuốc điều trị bệnh Pakinson đơn độc hay phối hợp để mang lại hiệu quả cao cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh. Dưới đây, xin giới thiệu một số thuốc điều trị bệnh Parkinson hiện nay và những lưu ý khi sử dụng.
Levodopa (L-dopa)
Thuốc có tác dụng gì? L-dopa là tiền chất chuyển hóa của Dopamin, thuốc qua được hàng rào máu não và chuyển thành dopamin trong não. Đây được coi là cơ chế để L-dopa giảm nhẹ được các triệu chứng của bệnh Parkinson. Dùng L-dopa để điều trị phải bắt đầu với liều thấp và tăng dần với lượng nhỏ. Liều lượng thuốc tối ưu hàng ngày (nghĩa là liều cải thiện tối đa được bệnh và dung nạp được tác dụng không mong muốn) cần phải được xác định và dò liều cẩn thận đối với từng bệnh nhân. Tuy nhiên, khi đã xác định được liều ổn định thì liều duy trì cũng cần phải giảm khi người bệnh mỗi ngày một cao tuổi.
Cần lưu ý tương tác thuốc dùng levodopa với các thuốc khác.
Có thể gặp tác không mong muốn nào?
Ở bệnh nhân dùng L-dopa có thể gặp các tác dụng không mong muốn ở liều đầu điều trị như đau đầu, choáng váng, trầm cảm, kích động, chán ăn, buồn nôn. Các tác dụng phụ khác ít gặp hơn như đau đầu nặng, ra mồ hôi, loạn nhịp tim, hạ huyết áp, mất ngủ, lú lẫn. Những chứng như loạn thần, thiếu máu tan huyết, giảm bạch cầu - tiểu cầu… rất hiếm gặp.
Những bệnh nhân nào không nên sử dụng?
Vì L-dopa có thể kích hoạt u hắc tố ác tính, thuốc không được dùng cho người có tiền sử ung thư hắc tố ác tính hoặc có tổn thương da, nghi ngờ ung thư hắc tố chưa được chẩn đoán. Đối với bệnh nhân mẫn cảm với thuốc hoặc có các bệnh nội tiết, bệnh gan - thận hoặc tim mất bù nặng; các chứng loạn tâm thần; bệnh nhân bị bệnh glocoma góc đóng… tuyệt đối không được sử dụng thuốc.
Người bệnh bị đái tháo đường, cường giáp, glocoma góc rộng hoặc hạ huyết áp, người có tiền sử bệnh nhồi máu cơ tim, suy động mạch vành hoặc loạn nhịp tim… phải được cân nhắc trước lợi và hại khi dùng L-dopa để điều trị bệnh. Trong trường hợp bệnh nhân cần phẫu thuật thì phải ngừng thuốc 24 giờ trước khi gây mê.
Tương tác thuốc
Không được uống các thuốc tâm thần như chất ức chế monoamin oxidase cùng với L-dopa vì có thể dẫn đến cơn tăng huyết áp. Có thể dùng các thuốc chống trầm cảm ba vòng cho người bệnh đang uống L-dopa, tuy nhiên, các thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể gây nặng thêm chứng hạ huyết áp thế đứng và có thể ảnh hưởng đến hấp thu của L-dopa do làm chậm sự tháo rỗng ở dạ dày và chậm đưa L-dopa đến các vị trí hấp thu ở ruột. Ngoài ra, các phản ứng không mong muốn khác như tăng huyết áp và loạn vận động có thể xảy ra (tuy hiếm) khi dùng phối hợp các thuốc này. Phenothiazin, butyrophe-non và có thể cả thioxanthen và các thuốc chống loạn tâm thần khác đối kháng với tác dụng điều trị của L-dopa. Phải dùng thận trọng những thuốc này trong khi điều trị bằng L-dopa.
Người bệnh không nên uống các chế phẩm vitamin trong khi điều trị bằng L-dopa nếu không có lời khuyên của thầy thuốc.
Phải dùng thận trọng L-dopa ở người bệnh đang dùng các thuốc hạ huyết áp như methyldopa hoặc guanethidin. Nếu uống cùng có thể phải giảm liều các thuốc trên.
Ngoài ra, methyldopa (cũng như carbidopa) là một chất ức chế decarboxylase và có thể gây tác dụng độc đối với hệ thần kinh trung ương như loạn tâm thần nếu uống cùng với L-dopa.
Piribedil
Là thuốc đồng vận dopamin, có tác dụng kích thích thụ thể dopamin và các đường dẫn truyền dopamin ở não. Thuốc được chỉ định điều trị trong một số bệnh như bổ sung các triệu chứng suy giảm bệnh lý về nhận thức và thần kinh giác quan mạn tính (không dùng cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer); điều trị bổ sung chứng khập khễnh cách hồi trong bệnh động mạch tắc nghẽn mạn tính ở các chi dưới; điều trị bệnh Parkinson giai đoạn sớm đơn trị liệu hoặc dùng phối hợp với L-dopa và các thuốc khác…
Thuốc có một số tác dụng phụ như rối loạn đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, đầy hơi). Các rối loạn này có thể tự khỏi sau khi điều chỉnh lại liều cho thích hợp với từng bệnh nhân. Một số tác dụng phụ hiếm gặp là rối loạn tâm thần như lú lẫn hay dễ bị kích động, các triệu chứng này sẽ tự khỏi khi ngừng điều trị. Có thể xảy ra rối loạn huyết áp (hạ huyết áp tư thế) hoặc huyết áp không ổn định.
Thuốc thuộc nhóm ức chế COMT
Entecarpone và tolcapone là chất ức chế men catechol o-methyl transferase (COMT) tác dụng làm tăng tính khả dụng sinh học của L-dopa và kéo dài thời gian bán huỷ của nó. Thuốc cho phép giảm liều L-dopa, vì vậy, thuốc không có hiệu quả nếu không có L-dopa. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có biến chứng tiêu chảy, rối loạn chức năng gan. Cần kiểm tra men gan 2 tuần/lần.
Nhóm thuốc kháng cholinergic đặc biệt hữu hiệu với thể bệnh run trong Parkinson. Nói chung, nhóm thuốc này không nên dùng cho người già, nhất là các bệnh nhân bị rối loạn trí nhớ, u lành tiền liệt tuyến, tăng nhãn áp.
Khi điều trị nội khoa thất bại, có thể áp dụng biện pháp ngoại khoa, tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng cho bệnh nhân không có sa sút trí tuệ rõ.
Theo SKDS