Ðề phòng viêm xương tủy hàm

    Viêm xương tủy hàm gây ra do các loại vi khuẩn. Mầm bệnh thường gặp trong viêm nhiễm vùng hàm mặt gồm...

     Viêm xương tủy hàm gây ra do các loại vi khuẩn. Mầm bệnh thường gặp trong viêm nhiễm vùng hàm mặt gồm: tụ cầu khuẩn vàng và trắng; liên cầu khuẩn; trực khuẩn, xoắn khuẩn, não mô cầu... Đây là những loại vi khuẩn có thể gặp ở bất kỳ vết thương nào trên cơ thể.

     
    Vì sao mắc bệnh?
     
    Viêm xương tủy hàm thường do 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra là do răng và không do răng. Do răng gồm: bệnh ở răng, vùng quanh răng, cuống răng lan vào xương; viêm tổ chức liên kết góc hàm do răng 3-8, 4-8 xử trí nhổ răng không đúng thời điểm, gây tổn thương xương dẫn đến viêm xương. Không do răng: chấn thương, vết thương xương vùng hàm mặt; nhiễm khuẩn các loại u lành hoặc u ác tính trong xương hàm.
     
     
    Ổ viêm tủy xương hàm do răng.
     
    Đường vào của vi khuẩn trong các loại viêm nhiễm thông thường vùng hàm mặt gồm có: qua da, những vết xây xát da do chấn thương, vết thương, nhiễm khuẩn qua nang chân lông, tuyến bã. Từ những ổ nhiễm khuẩn liên quan đến răng và vùng quanh răng. Qua đường máu: gặp ở những nhiễm khuẩn sâu trong các cơ quan, nội tạng.
     
    Dấu hiệu nhận biết
     
    Trong viêm xương tủy hàm, bệnh nhân có sốt từ 38- 40oC kèm theo rét run từng cơn, thường do nhiễm khuẩn huyết; sốt kèm theo mạch nhanh, rối loạn nhịp tim. Thể trạng mệt mỏi, li bì, biểu hiện của nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng. Rối loạn chức năng ăn nhai, nuốt, chủ yếu do đau, do sưng nề chèn đẩy các cơ quan trong miệng. Xét nghiệm máu: thấy tăng bạch cầu.
     
    Tại vùng xương viêm có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau tổ chức phần mềm che phủ xương, có thể rầm rộ, có khi âm ỉ kéo dài tùy theo từng nguyên nhân. Đau liên quan đến xương hàm và cung răng: đau liên tục âm ỉ nửa cung hàm, có khi lan ra toàn bộ hàm. Các răng bị ảnh hưởng của xương viêm lung lay hoặc xô lệch tùy theo mức độ phá hủy của xương, nhiều trường hợp răng rụng dần nhưng niêm mạc lợi không thể liền. Rò qua bề huyệt răng, qua tổ chức phần mềm bên ngoài. Rò ở một, hai, ba vị trí dọc cung hàm, có khi lấy được mảnh xương chết. Rò lâu ngày có thể tiêu hủy nhiều xương dẫn đến gãy xương hàm.
    Chụp Xquang thấy hình ảnh tiêu hủy xương kết hợp với bồi đắp xương, có khi thấy mảnh xương chết.
     
    Điều trị tích cực
     
    Chống nhiễm khuẩn: Hiện nay, những vi khuẩn gây bệnh có khả năng kháng thuốc rất mạnh, những loại kháng sinh thông thường ít tác dụng nên thường phải dùng kháng sinh mạnh và phối hợp các loại kháng sinh mới đạt hiệu quả điều trị. Việc sử dụng kháng sinh thích hợp tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh, loại vi khuẩn gây viêm nhiễm. Tốt nhất cần phải cấy mủ (hoặc dịch) ở vùng nhiễm khuẩn, làm kháng sinh đồ để sử dụng kháng sinh phù hợp và có hiệu quả. Các trường hợp có nhiễm khuẩn huyết, cần điều trị tích cực và toàn diện để ngăn chặn những biến chứng có thể dẫn đến nguy hiểm. Dùng kháng sinh liều cao, kết hợp cùng các thuốc tăng sức đề kháng của cơ thể. Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, giảm sưng nề, truyền dịch nuôi dưỡng tốt cho bệnh nhân, các loại vitamin.
     
    Điều trị tại chỗ: Cần thực hiện thích hợp và kịp thời đối với từng mức độ, tùy vị trí và giai đoạn của bệnh. Nếu có viêm nhiễm phần mềm kèm theo cần đánh giá mức độ nhiễm khuẩn tại chỗ, giai đoạn của viêm nhiễm, đã có ổ mủ chưa, vị trí ổ mủ ở sâu hay nông. Đặc biệt chú ý những ổ mủ ở sâu, vùng sàn miệng, dưới gốc hàm, thành họng bên, dưới góc hàm có nguy cơ lây lan rộng. Trích rạch tháo mủ là biện pháp điều trị tích cực nhằm loại bỏ ổ mủ, giảm nguy cơ lan rộng ra xung quanh. Cần chú ý dẫn lưu triệt để những ổ mủ ở sâu, nhiều ổ mủ rải rác dễ bỏ sót. Đường rạch tháo mủ phải đảm bảo hai yêu cầu vừa có thể dẫn lưu mủ tốt, vừa đảm bảo về mặt thẩm mỹ cho bộ mặt sau này. Những trường hợp viêm xương tủy hàm, sau khi được chẩn đoán chính xác trên Xquang, có chỉ định phẫu thuật lấy tổ chức xương chết kết hợp xử trí các răng có liên quan. Mức độ phẫu thuật tùy theo tổn thương thực thể quan sát được khi phẫu thuật. Lưu ý rằng, viêm xương tủy hàm cũng như các loại cốt tủy viêm khác, thường phải phẫu thuật nhiều lần mới loại bỏ hết tổ chức xương viêm rải rác ở nhiều vị trí. Vì vậy, bệnh nhân cần hiểu biết điều này và hợp tác tốt với bác sĩ.
     
    Lời khuyên của bác sĩ
     
    Viêm xương tủy hàm là bệnh khó chữa, có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như gãy xương hàm, nhiễm khuẩn huyết... nên cần phát hiện bệnh sớm và điều trị tích cực. Điều trị viêm tủy xương hàm, cần kết hợp điều trị các bệnh lý là nguyên nhân. Việc điều trị để loại bỏ nguyên nhân có thể tiến hành song song hoặc sau điều trị viêm tủy xương hàm. Chú ý điều trị răng là nguyên nhân gây bệnh: chữa tủy, mổ nang cuống răng, nhổ răng số 8, nhổ chân răng... sau điều trị viêm tủy ổn định. Phẫu thuật các khối u phần mềm, xương hàm sau điều trị khỏi viêm nhiễm phần mềm. Điều trị các bệnh là nguyên nhân khác như: viêm tai xương chũm, viêm áp-xe tuyến nước bọt, viêm mủ khớp hàm... Mọi người cần giữ vệ sinh răng miệng để phòng tránh hiệu quả viêm nhiễm dẫn đến viêm tủy xương hàm.
     
    Theo SKDS