Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong số những rối loạn tâm thần vận động thường gặp ở trẻ. Nếu phát hiện muộn, khả năng chữa khỏi là rất thấp...
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong số những rối loạn tâm thần vận động thường gặp ở trẻ. Nếu phát hiện muộn, khả năng chữa khỏi là rất thấp...
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention Deficit - Hyperactivity Disorder, viết tắt ADHD) là một trong số những rối loạn tâm thần vận động thường gặp ở trẻ. Nếu phát hiện muộn, khả năng chữa khỏi là rất thấp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng học tập, cuộc sống hàng ngày, cũng như sự nghiệp sau này của trẻ.
Theo những báo cáo khoa học có giá trị trên thế giới cho thấy có khoảng 3 - 7% số trẻ ở lứa tuổi học đường mắc rối loạn này. Trẻ nam có tỉ lệ mắc rối loạn này cao hơn trẻ nữ từ 2,5 - 5,6 lần.
Nhận diện
Để nhận biết trẻ bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, phụ huynh cần quan sát, theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động hàng ngày của trẻ từ việc ăn uống, ngủ nghỉ đến học tập, vui chơi. Một số những biểu hiện giảm chú ý thường thấy ở trẻ.
Thường quên bài vở, mất dụng cụ học tập: ở lớp, trẻ ADHD thường hay để quên tập vở ở nhà. Khi về nhà, bố mẹ trẻ lại thường đau đầu do con liên tục làm mất bút (thậm chí mất cả cặp) khiến phải mua mới liên tục và dặn dò kỹ lưỡng nhưng trẻ quên vẫn hoàn quên.
Không giao tiếp với bạn bè: trẻ ADHD thường thiếu tự tin trong giao tiếp với người xung quanh kể cả bạn bè, thầy cô. Điều này càng khiến trẻ gặp khó khăn trong việc thích nghi môi trường mới.
Lơ đãng, hay mơ màng: trẻ ADHD không hề kém thông minh so với các bạn. Tuy nhiên, chúng gặp khó khăn để lắng nghe hướng dẫn từ thầy cô, từ đó thường xuyên tỏ ra lơ mơ, không kịp nắm bắt lời giảng hoặc những yêu cầu của việc làm bài tập.
Khó khăn bày tỏ cảm xúc: trẻ mắc ADHD cũng thường phải đối mặt với chứng nhận thức và trạng thái chậm phát triển đặc hiệu về vận động và ngôn ngữ đi kèm. Hệ quả tất yếu là trẻ hay gặp khó khăn khi bày tỏ cảm xúc bằng lời hoặc những cử chỉ thông thường.
Không tập trung trong lớp: trong cơ thể trẻ ADHD dường như có một chiếc máy hoạt động không nghỉ. Trẻ thường không thể ngồi im. Xu hướng là trẻ luôn cố gắng đứng lên và chạy xung quanh. Khi buộc phải ngồi xuống, trẻ cảm thấy rất khó chịu thường liên tục ngọ nguậy, vặn vẹo trên ghế.
Khó đợi đến lượt: trẻ tăng động thường không có khả năng nhận biết được nhu cầu, mong muốn của người khác. Trẻ có thể cắt ngang lời khi người khác đang nói chuyện và rất khó khăn khi chờ đến lượt của mình trong hoạt động ở lớp hoặc khi chơi cùng với bạn.
Hay quậy phá, dễ nổi giận: trẻ ADHD rất khó kiềm chế cảm xúc. Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ ở những thời điểm không phù hợp.
Kết quả học tập không ổn định: do độ tập trung kém sẽ dẫn đến việc tiếp thu chậm nên kết quả học tập ở trẻ ADHD thường không ổn định. Trẻ cũng gặp khó khăn về đọc và viết. Khoảng 20% số trẻ mắc chứng ADHD cần phải có chế độ giáo dục đặc biệt.
Nhà trường và gia đình cùng đồng hành
Đối với từng học sinh có biểu hiệu tăng động giảm chú ý, giáo viên cần phối hợp chặt chẽ với gia đình để hỗ trợ quá trình điều trị cho trẻ ADHD. Thiết thực hơn, chính giáo viên nên là người để ý quan sát, phát hiện và khuyên cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời. Việc chữa trị cho trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ nhiều phương pháp như liệu pháp tâm lý kết hợp với giáo dục phù hợp sẽ giúp trẻ mau hồi phục và có thể hòa nhập lại cuộc sống nhanh hơn.
Dường như ở trẻ tăng động giảm chú ý có một chiếc máy hoạt động không nghỉ nên trẻ thường không thể ngồi im
Liệu pháp hành vi nhận thức: giải thích cho trẻ hiểu việc cần làm, nêu những hành vi tốt mà ta mong đợi ở trẻ, chia nhỏ nhiệm vụ thành các bước và hướng dẫn trẻ cách làm, khen thưởng khi trẻ tiến bộ để củng cố hành vi tốt.
Huấn luyện nếp sống và các kỹ năng xã hội: giúp trẻ dễ dàng hòa mình vào cuộc sống và môi trường học tập.
Hỗ trợ và tư vấn gia đình cách quan tâm đến trẻ: cha mẹ cần dành thời gian hơn trong việc quan tâm và nhắc nhở trẻ, nhất là việc thống nhất cách nuôi dạy trẻ.
Bài tập tăng cường vận động hợp lý: các bài tập vận động nhằm giúp trẻ lập kế hoạch vận động phù hợp, làm chủ vận động và trương lực cơ, một số bài tập tăng sự tập trung chú ý ở trẻ.
Trò chơi trị liệu phù hợp: giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tập luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi… Không nên chơi những trò chơi kích thích ngoài tầm kiểm soát của trẻ. Việc đi bộ, tập thư giãn tốt cho trẻ sẽ giúp làm giảm hiệu quả mức độ tăng hoạt động ở trẻ.
Thuốc điều trị: do bác sĩ điều trị chỉ định và cần kết hợp với liệu pháp tâm lý đối với những trẻ quá tăng hoạt động, một số thuốc thường được bác sĩ chỉ định như Risperidone liều thấp, Amitriptiline, Clonidine liều thấp, các vitamin và một số yếu tố vi lượng. Kết quả cho thấy những trẻ tăng động giảm chú ý có trí tuệ tốt được điều trị sớm có tiên lượng tốt hơn những trẻ có trí tuệ kém. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên chú ý trẻ nhiều hơn để có thể phát hiện sớm trẻ ADHD giúp trẻ được chữa trị và can thiệp kịp thời.
Theo SKDS