Sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả

    Kháng sinh là một loại thuốc được nhiều người biết đến, nhưng hiện nay việc sử dụng còn tùy tiện nên hiệu quả chưa cao và không thật sự an toàn cho người sử dụng.

     Kháng sinh là một loại thuốc được nhiều người biết đến, nhưng hiện nay việc sử dụng còn tùy tiện nên hiệu quả chưa cao và không thật sự an toàn cho người sử dụng.

    An toàn và hiệu quả là hai tiêu chuẩn luôn song song tồn tại trong sử dụng thuốc chữa bệnh nói chung cũng như thuốc kháng sinh nói riêng. Sử dụng kháng sinh an toàn nhưng không có hiệu quả thì cũng không có tác dụng diệt khuẩn, ngược lại, muốn thuốc kháng sinh có hiệu quả thì việc sử dụng nó phải được thật sự an toàn. Như vậy, kháng sinh chỉ được sử dụng khi biết bệnh nhiễm trùng là do vi khuẩn hoặc vi nấm.

    Và điều đặc biệt hơn, nếu biết được vi khuẩn gây bệnh đó nhạy cảm hay đề kháng với loại kháng sinh gì và ở hàm lượng bao nhiêu thì việc sử dụng kháng sinh càng có hiệu quả cao trong việc chữa bệnh nhiễm khuẩn? Công việc này hiện nay có thể thực hiện ở hầu hết các khoa xét nghiệm vi sinh y học của các bệnh viện tuyến tỉnh. Đó là nuôi cấy, phân lập vi khuẩn và kỹ thuật kháng sinh đồ. Đó là công việc khá phức tạp và đòi hỏi có thời gian (khoảng một tuần).

    Khi phân lập được vi khuẩn gây bệnh thì tiến hành xác định mức độ nhạy cảm và đề kháng của vi khuẩn đó với các loại kháng sinh khác nhau, trên cơ sở đó xác định được kháng sinh thích hợp để điều trị cho người bệnh đó, và vì vậy giúp bác sĩ điều trị chọn kháng sinh thích hợp để điều trị cho người bệnh và bệnh sẽ chóng khỏi hơn. Nếu có điều kiện còn có thể tiến hành kỹ thuật kháng sinh đồ định lượng (xác định liều lượng cần dùng của mỗi một loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn một cách triệt để). Như vậy, nếu làm việc tuần tự đúng quy trình thì trước khi kê đơn bác sĩ phải có chẩn đoán bệnh và nguyên nhân gây bệnh, trên cơ sở đó sẽ kê đơn thuốc dùng kháng sinh gì, hàm lượng và liều lượng như thế nào cho từng lứa tuổi và cho từng tình trạng bệnh và cả cho từng thể trạng của người bệnh.

    An toàn

    Để an toàn, với các loại thuốc kháng sinh tiêm bao giờ cũng phải thử phản ứng bì (thử trong da hay test lẩy). Để cho thuốc không bị giảm tác dụng thì phải dùng vào thời điểm nào trong ngày, trước hay sau khi ăn và khoảng cách thời gian là bao nhiêu. Thông thường nên uống thuốc kháng sinh trước hoặc sau ăn khoảng từ 1 - 2 giờ nhằm loại trừ các ảnh hưởng của thức ăn làm giảm tác dụng của kháng sinh (chất bột, chất xơ, rượu, bia). Không nên nhai viên thuốc, đặc biệt là viên thuốc nang mềm vì khi thuốc qua dạ dày sẽ bị dịch vị làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc.

    Cần uống thuốc kháng sinh với nước đun sôi để nguội, không được uống với nước hoa quả, sữa, trà vì các loại này hạn chế sự hấp thu của thuốc, thậm chí có loại ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Trong thời gian điều trị bằng thuốc kháng sinh tuyệt đối không uống rượu ở bất kỳ thời gian nào, vì kháng sinh đang lưu thông trong máu, nếu có rượu kháng sinh sẽ bị mất tác dụng. Cần uống thuốc đúng giờ và cần giữ đúng khoảng cách giữa các lần uống đều nhau nhằm làm cho lượng kháng sinh lưu thông đều trong máu và đến tác động vào ổ nhiễm trùng, đặc biệt là trong nhiễm khuẩn huyết. Khi sử dụng kháng sinh uống nếu thấy có những dấu hiệu bất thường xảy ra cần ngưng ngay, nếu nôn ra được thì rất tốt, cần báo cho bác sĩ biết và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi, cấp cứu, đề phòng dị ứng thuốc. Đây là điều khó lường trước và rất nguy hiểm, vì vậy người bệnh không nên tự mua thuốc kháng sinh để tự điều trị. Nếu người bệnh đang dùng các loại thuốc có chất sắt hoặc canxi hoặc thuốc chống tăng tiết acid dạ dày thì cũng nên tạm ngừng vì chúng thường liên kết với nhau và không được hệ tiêu hóa hấp thụ, trừ trường hợp dùng kháng sinh trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

    Và hiệu quả

    Để sử dụng kháng sinh có hiệu quả ngoài việc kê đơn dùng thuốc gì còn được tư vấn cách sử dụng. Khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị thì không tự ngưng thuốc kháng sinh, bởi vì tự động ngưng dùng thuốc kháng sinh thì bệnh không những không khỏi mà còn làm cho vi khuẩn đó kháng lại thuốc kháng sinh, sau này nếu bị bệnh nhiễm trùng, dùng lại kháng sinh đó sẽ vô hiệu nghiệm. Hầu hết thời gian dùng kháng sinh trung bình từ 7 - 10 ngày (trừ viêm bàng quang chỉ cần dùng 3 ngày). Nếu tự ý dùng kháng sinh kéo dài sẽ tiêu diệt hết một số vi khuẩn sống cộng sinh làm thay đổi hệ sinh thái của chúng gây nên loạn khuẩn (họng, đường tiêu hóa).

    Trong thời gian điều trị kháng sinh không nên dùng men tiêu hóa là sản phẩm của vi sinh vật (bioenzym, lactomin plus...) vì kháng sinh sẽ tiêu diệt chúng và làm cho men tiêu hóa này vô tác dụng. Khi dùng một đợt kháng sinh khoảng một tuần sau có thể dùng men tiêu hóa nhằm lập lại sự cân bằng hệ sinh thái vi sinh. Các nhà chức trách nên có quy định thật nghiêm ngặt trong việc bán thuốc kháng sinh (bán thuốc theo đơn và có đơn lưu) để tránh hiện tượng dùng kháng sinh bừa bãi.

    Theo SKDS