Thức ăn phù hợp với từng giai đoạn mọc răng của bé
Với mỗi giai đoạn phát triển, bé lại cần một thực đơn phù hợp để giúp răng và nướu khỏe mạnh.
Với mỗi giai đoạn phát triển, bé lại cần một thực đơn phù hợp để giúp răng và nướu khỏe mạnh.
4 - 8 tháng
Thông thường, 4 tháng sau khi sinh, bé xuất hiện hiện tượng “chảy dãi”, báo hiệu chiếc răng sữa đầu tiên sẽ nhú lên trong tương lai gần. Vị trí của chiếc răng này thường nằm ở hàm dưới.
Thời điểm bé chuẩn bị mọc răng hoặc răng nhú lên khỏi lợi, bạn có thể thay đổi thực đơn cho bé từ thức ăn dạng lỏng dần dần sang dạng sền sệt hoặc đặc hơn với các món như: khoai tây nghiền, cháo… để bé trải nghiệm cảm giác thức ăn hơi đặc một chút sẽ như thế nào (chú ý nên bắt đầu từ lượng thức ăn ít, sau đó tăng nhiều lên theo thời gian).
Ngoài ra, bạn có thể hầm nhừ rau củ, bỏ hạt và cắt nhỏ một số loại hoa quả mềm để cho bé ăn. Điều này sẽ giúp răng sữa của bé mọc thuận lợi hơn, đồng thời luyện tập cơ nhai, thúc đẩy nướu và răng sữa của bé phát triển khỏe mạnh.
8 – 12 tháng
Trong khoảng thời gian này, bé sẽ dần dần mọc 2 hoặc nhiều răng hơn, nhưng chắc chắn là từ răng cửa hàm trên rồi sang hai bên.
Mẹ cần bổ sung thêm dinh dưỡng cho bé với những món ăn bổ dưỡng chế biến từ nhiều loại thịt được băm nhỏ. Thức ăn cũng cần có độ cứng thích hợp, không nên lỏng và mềm quá. Thịt lợn băm, cà rốt ninh nhừ và đậu phụ là những gợi ý mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên chú ý sử dụng trong thực đơn của con giai đoạn này.
9 – 13 tháng
Các răng bên cạnh răng cửa hàm trên về cơ bản đã “có mặt” đầy đủ (đến 13 – 16 tháng, các răng mọc xung quanh răng cửa hàm dưới cũng xuất hiện). Đây cũng là giai đoạn chức năng tiêu hóa của bé đã gần hoàn thiện, vì vậy bé có thể ăn thức ăn đặc hơn, rau nấu chín kỹ.
13 – 18 tháng
Lúc này bé đã có khoảng 8 – 12 chiếc răng và hàm răng cũng trở nên “mạnh” hơn. Bạn có thể giảm lượng thức ăn lỏng, tăng thức ăn đặc vì bé đã có thể ăn được cháo đặc, cơm nấu nát, bánh mì và các loại rau nấu chín tới.
16 – 20 tháng
Khoảng 20 chiếc răng sữa xinh xắn của bé về cơ bản đã hình thành và đây là giai đoạn bé bắt đầu chuyển sang ăn cơm, mì, bánh mỳ và một số thức ăn của người lớn được rồi.
Trên thực tế, mỗi trẻ có sự phát triển khác biệt, vì vậy các loại thức ăn ứng với từng giai đoạn trên chỉ mang tính gợi ý. Bạn nên theo sát quá trình mọc răng và ăn dặm của con để điều chỉnh cho phù hợp.
Theo afamily.vn