Vì sao trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm?
Trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn những đứa trẻ bình thường đặc biệt là ở trẻ em gái, đây là cảnh báo của Trung tâm y tế nhi quốc gia Mỹ.
Trẻ béo phì có nguy cơ dậy thì sớm hơn những đứa trẻ bình thường đặc biệt là ở trẻ em gái, đây là cảnh báo của Trung tâm y tế nhi quốc gia Mỹ.
Theo thống kê của cơ quan phụ trách về sức khỏe trẻ em Mỹ, cứ 5000 em thì có ít nhất 1 em bị dậy thì sớm, con số này đang ngày càng tăng lên ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan chức năng. Trưởng khoa Nội tiết của Trung tâm y tế nhi quốc gia Mỹ, TS Paul Kaplowitz cho rằng, tình trạng béo phì ở trẻ em đang là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm. Có hàng loạt các câu hỏi đang được đặt ra như bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này? Mối liên hệ giữa béo phì và dậy thì sớm là gì, nó ảnh hưởng tới trẻ em ra sao?....
Trẻ em gái bị béo phì có nguy cơ dậy thì sớm.
Tại sao trẻ em gái béo phì dậy thì sớm hơn các em trai?
Trẻ được coi là dậy thì sớm ở thời điểm bắt đầu trước 8 tuổi đối với bé gái và 9 tuổi đối với bé trai. Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra những bé gái thừa cân, béo phì có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn những em gái nhẹ cân, hay biếng ăn. Ở nhóm đối tượng thiếu cân, người ta thấy, các em thường trải qua tuổi dậy thì muộn hơn so với những bạn cùng trang lứa.
Bác sĩ Jamin Josefson, thuộc khoa nội tiết Bệnh viện Nhi Memorial, Chicago cho biết, đối với những bé trai, cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy béo phì làm tăng tỷ lệ dậy thì ở trẻ. Thậm chí những em trai béo phì còn có xu hướng dậy thì muộn hơn so với trung bình.
Dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất ở trẻ dậy thì là sự phát triển tuyến vú, và có thể kéo dài một vài năm. Sau đó mới xuất hiện các dấu hiệu như kinh nguyệt ở trẻ gái hay giọng nói thay đổi ở trẻ trai, mụn xuất hiện ở cả hai giới. Trong suốt nhiều thập kỷ, dường như độ tuổi dậy thì ở trẻ không thay đổi. Nhưng trong vài chục năm trở lại đây, xu hướng dậy thì sớm đang ngày càng trở thành một vấn đề đáng báo động trong chăm sóc sức khỏe trẻ em. Vào năm 1965, có 5% trẻ em trong độ tuổi từ 6-11 tuổi béo phì có dậy thì sớm, thì đến năm 2000, tỷ lệ này đã lên tới 12%.
Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng béo phì không có mối liên hệ nhân quả với dậy thì sớm, mà nó chỉ là một yếu tố nguy cơ gây dậy thì sớm ở trẻ, nhất là các bé gái. TS Kaplowitz cho rằng, ngay cả ở những quốc gia tỷ lệ trẻ em béo phì thấp trẻ vẫn dậy thì sớm. Như ở Đan Mạch chẳng hạn, trong suốt 15 năm qua, số trẻ em bị dậy thì sớm ngày càng tăng theo tuổi. Nghiên cứu vào năm 2000 cho thấy độ tuổi trẻ em nữ bắt đầu phát triển tuyến vú là 11 tuổi nhưng đến nay giảm từ xuống 10 tuổi. Mặc dù tỷ lệ trẻ béo phì ở Đan Mạch rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với Mỹ.
Nhiều chuyên gia y khoa cho rằng đôi khi bác sĩ cũng bị nhầm lẫn giữa béo phì và dậy thì sớm bởi họ gặp khó khăn khi phân biệt giữa lớp chất béo ở ngực và các mô vú, nếu chỉ thăm khám trên lâm sàng. Những bé gái béo phì thường hay bị chẩn đoán nhầm hơn.
Theo các nghiên cứu y tế, sở dĩ trẻ dậy thì sớm là do một loại hormone- kích thích tố có tên leptin. Leptin tiết ra từ các tế bào chất béo, nó đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh sự thèm ăn và chức năng sinh sản của con người. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, khi một đứa trẻ có đủ leptin trong cơ thể đó là lúc tuổi dậy thì bắt đầu. Do đó những cô bé thừa cân, béo phì, có nồng độ leptin cao sẽ dễ bị dậy thì sớm hơn.
Những thay đổi sinh học của bất cứ một con người nào cũng hình thành từ ngay giai đoạn bào thai và trải qua các tác động trong đời sống xã hội mà thành. Việc người mẹ tăng cân nhanh trong thai kỳ có liên quan đến bệnh béo phì của con họ và trẻ sẽ có nguy cơ dậy thì sớm.
Cha mẹ nên làm gì khi con dậy thì sớm?
Một số cha mẹ thường cảm thấy tội lỗi khi con của họ dậy thì sớm và thường đặt câu hỏi về nguyên nhân tại sao con mình lại khác người như vậy, đáng ra họ có thể ngăn chặn điều đó xảy ra… Vậy nếu béo phì không phải là nguyên nhân duy nhất gây phát triển sớm ở trẻ, thì điều gì làm cho tuổi dậy thì bắt đầu sớm? Các chuyên gia nội tiết cho rằng ngoài béo phì còn có một số yếu tố tác động đến quá trình dậy thì sớm ở trẻ như di truyền, giới tính, chủng tộc, do tiếp xúc xã hội, thậm chí cả môi trường sống hàng ngày. Tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa trong sinh hoạt hàng ngày đang đẩy những đứa trẻ của chúng ta vào việc phải gánh chịu hậu quả, như chất BPA trong các đồ nhựa làm thay đổi hormone, gây dậy thì sớm ở trẻ…..
Vậy nên nếu con bạn không may bị dậy thì sớm, bố mẹ không nên quá lo lắng mà hãy tìm cách làm cho con thích nghi và rèn luyện thể thao để bảo vệ sức khỏe bản thân ngay từ khi còn nhỏ. Theo các bác sĩ không có cách nào để điều trị dậy thì sớm ở trẻ, kể cả giảm cân (nếu trẻ béo phì) cũng không có tác dụng. Đối với những trẻ đã dậy thì thì khi giảm cân, quá trình dậy thì này vẫn tiếp tục và không dừng lại.
Như vậy, phòng dậy thì sớm ở trẻ cần làm từ rất sớm trước khi đứa trẻ đến tuổi dậy thì bằng cách ngăn chặn chứng béo phì ở trẻ. Các bậc phụ huynh cần dậy trẻ cách để duy trì sức khỏe lành mạnh nhất, để tránh dậy thì sớm. Với những người làm cha mẹ cần hỗ trợ con như:
-Khuyến khích con tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên, tạo thói quen tập thể dục cho trẻ.
-Chú ý đến lượng calo trong bữa ăn của trẻ, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển.
-Dạy trẻ cách ăn uống lành mạnh, lựa chọn các thực phẩm giàu năng lượng, nhiều chất xơ, vitamin, hạn chế chất béo và các đồ ăn chế biến sẵn.
Theo SKDS