Xử trí tại nhà khi bị tiêu chảy cấp

     Bệnh tiêu chảy nặng hay nhẹ tùy thuộc vào số lượng vi khuẩn vào trong cơ thể nhiều hay ít. Biểu hiện đầu tiên là người bệnh đi ngoài liên tục, mất nước...

     Bệnh tiêu chảy nặng hay nhẹ tùy thuộc vào số lượng vi khuẩn vào trong cơ thể nhiều hay ít. Biểu hiện đầu tiên là người bệnh đi ngoài liên tục, mất nước...

    Khi mắc bệnh tiêu chảy sẽ có những biểu hiện gì?

    Bệnh tiêu chảy nặng hay nhẹ tùy thuộc vào số lượng vi khuẩn vào trong cơ thể nhiều hay ít. Biểu hiện đầu tiên là người bệnh đi ngoài liên tục, mất nước, có thể bị sốt nhẹ, nhưng chưa tới mức báo động. Bệnh sẽ diễn biến nặng hơn với các biểu hiện cơ thể suy kiệt, mắt trũng, nôn mửa... Nếu bệnh nặng có thể dẫn tới suy tim, tử vong.

    Những sai lầm cần tránh khi bị tiêu chảy?

    Vì tác nhân (virut, vi khuẩn, ký sinh trùng) gây tiêu chảy vào cơ thể theo đường ăn uống nên biện pháp phòng bệnh vẫn là thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn. Khi bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy, lượng nước trong cơ thể mất đi rất nhiều, vì vậy biện pháp đầu tiên là phải bù nước và điện giải, tốt nhất là dung dịch oresol và sau đó đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế khám và điều trị. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy. Thực tế, trong nhân dân cứ thấy tiêu chảy là dùng các loại búp chát như búp ổi, búp sim, quả hồng xiêm xanh để ép nước cho uống. Đó là cách làm hoàn toàn sai lầm, những thứ đó có tác dụng làm săn niêm mạc khiến cho người bệnh hạn chế đi ngoài. Nhưng như vậy đã làm chậm quá trình đào thải vi khuẩn, virut khỏi cơ thể khiến bệnh càng kéo dài hơn.

    Cách xử trí đúng khi bị tiêu chảy cấp

    Trường hợp nhẹ (chưa có dấu hiệu mất nước): Uống nhiều nước như nước cháo, nước súp, nước cơm... Ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo, cơm, thịt nạc, gà, trứng, quả chín (chuối chín rất tốt), rau luộc ăn cả nước. Nên nghiền nhỏ thức ăn cho dễ tiêu, chia ra nhiều bữa, ăn đủ no, không cần hạn chế. Trẻ đang bú vẫn tiếp tục cho bú, nếu ăn sữa công thức thì pha loãng hơn bình thường. Sau khi khỏi bệnh vẫn nên duy trì chế độ ăn như vậy trong 1 tuần nữa. Nếu có sẵn oresol thì hòa đúng như hướng dẫn trên bao bì. Trẻ dưới 2 tuổi uống 50 - 100ml cho một lần đi ngoài, uống từng thìa nhỏ, tiếp tục cho bú mẹ. Trẻ 2 - 10 tuổi uống 100 - 200ml cho một lần đi ngoài, uống dần từng ngụm nhỏ. Người lớn uống mỗi lần 200ml hoặc uống theo nhu cầu Nếu vẫn còn đi ngoài nhiều lần phải đưa tới cơ sở y tế khám và điều trị.

    Trường hợp tiêu chảy cấp mất nước: (biểu hiện môi khô, mắt trũng, nôn nhiều, trẻ nhỏ thóp lõm, ngủ nhắm mắt không kín) cho uống oresol ngay. Đối với trẻ em, 4 giờ đầu tiên cho uống theo cân nặng. Trường hợp không sẵn có oresol có thể pha dung dịch thay thế bằng cách: lấy 1 thìa nhỏ (thìa cà phê) gạt ngang chứ không đầy có ngọn muối ăn và 8 thìa gạt đường kính, hòa vào 1 lít nước đun sôi để nguội. Hoặc lấy một nắm gạo (50g) cho thêm nước vào đun lấy 1 lít nước cháo cho thêm 3g muối, ta sẽ được dung dịch thay thế oresol. Nếu sau 4 giờ uống bù nước mà vẫn đi ngoài nhiều lần phải đưa ngay đến sở y tế khám và điều trị.

    Trường hợp mất nước nặng: (biểu hiện da nhăn nheo, trẻ khóc không có nước mắt, có khi co giật do nhiễm độc thần kinh) cần đưa đến cơ sở y tế bằng mọi cách nhanh nhất.

    Phòng bệnh có khó không?

    Bệnh tiêu chảy tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Nói chung bệnh tiêu chảy không trừ một ai, do đó các biện pháp ăn chín uống sôi, vệ sinh tay trước khi ăn, không dùng những thực phẩm có biểu hiện ôi thiu, quá hạn sử dụng sẽ góp phần ngăn chặn bệnh.

    Theo SKDS