FIFA: Khủng hoảng chưa có hồi kết
Tương lai của FIFA trở nên bất định. Phiên họp Đại hội đồng lần thứ 65 của FIFA diễn ra trong bối cảnh tổ chức quyền lực của bóng đá thế giới lâm vào cảnh lao đao chưa từng có trong lịch sử tồn tại 111 năm
Tương lai của FIFA trở nên bất định. Phiên họp Đại hội đồng lần thứ 65 của FIFA diễn ra trong bối cảnh tổ chức quyền lực của bóng đá thế giới lâm vào cảnh lao đao chưa từng có trong lịch sử tồn tại 111 năm'
Phong thái ung dung cùng cung cách điều hành phiên khai mạc đĩnh đạc, sử dụng đồng thời 2 ngôn ngữ Anh - Pháp trước cử tọa hơn 200 đại diện các LĐBĐ quốc gia thành viên của vị luật sư 79 tuổi S.Blatter khiến người ta một lần nữa nể phục. Rồi đây biên niên sử FIFA sẽ còn nhắc nhở nhiều đến vị chủ tịch thứ 8 của họ, người ngồi ghế lãnh đạo lâu năm thứ ba sau J.Rimet (33 năm) và J.Havelange (24 năm), bất kể ông có đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp hay không.
Sự khôn khéo từng giúp Blatter trụ vững kể từ năm 1998 và tiếp tục là trợ lực cho ông ở giai đoạn sóng gió bậc nhất trong lịch sử FIFA khi hàng loạt quan chức cấp cao bị bắt giữ, cáo buộc tội danh tham nhũng ở mọi cấp độ ngay trước thời điểm diễn ra phiên họp đại hội đồng có ý nghĩa bản lề cho tương lai của chính FIFA
.
Ông tuyên bố chống tham nhũng đến cùng, đình chỉ hoạt động bóng đá vĩnh viễn đối với các cộng sự đã sa lưới pháp luật. Blatter tái khẳng định quyền đăng cai các VCK World Cup 2018 và 2022 của Nga và Qatar bất chấp yêu cầu bỏ phiếu lại cũng như kiên cường đối đầu cùng lời đe dọa rút khỏi World Cup của đa số trong 53 LĐBĐ quốc gia châu Âu.
Chẳng những không từ chức như đề nghị của rất nhiều liên đoàn thành viên, cũng không hoãn cuộc bầu cử lại 6 tháng như ý kiến của người đứng đầu UEFA Michel Platini, ông Blatter còn tuyên bố tiếp tục chiến đấu để có thể nắm giữ cương vị chủ tịch FIFA thêm một nhiệm kỳ nữa!
Tất cả những điều trên đồng nghĩa với việc tân chủ tịch sẽ phải đối mặt cùng một tương lai bất định của FIFA. Phiên tòa ở Brooklyn chờ xét xử các quan chức bị buộc tội tham nhũng chắc chắn sẽ đem đến một kết cục tồi tệ cho họ, một khi Bộ Tư pháp cùng Cục Điều tra liên bang Mỹ đã cất công củng cố chứng cứ từ 4 năm qua. Một khi họ bị xem là có tội, FIFA sẽ chao đảo, cụ thể là hàng loạt đối tác truyền thống như Tập đoàn thẻ tín dụng VISA, hãng sản xuất trang phục Adidas, thương hiệu ôtô Hyundai, hãng nước giải khát Coca-Cola, thương hiệu thức ăn nhanh McDonald… chắc chắn sẽ xem xét lại chính sách tài trợ hằng năm lên đến vài chục triệu USD mỗi nơi.
Đáng lo nhất là trong trường hợp Blatter tái đắc cử, UEFA sẽ nhóm họp bất thường tại Berlin để tính đến việc đồng loạt rút khỏi FIFA và chẳng ai có thể mường tượng nổi một kỳ World Cup hiện đại mà thiếu vắng các đại diện ưu tú từ châu Âu. Việc nhiều nước như Brazil, Argentina, Paraguay và mới nhất là Úc tuyên bố vào cuộc, điều tra các hành vi tham nhũng với quyết tâm làm trong sạch nền bóng đá nước nhà được xem là nhằm hưởng ứng các động thái phản ứng quyết liệt từ Mỹ, khác hẳn với quy kết từ S.Blatter và cộng sự, rằng người Mỹ và Anh kiên quyết chống FIFA do bị “tước” quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022.
Bị dọa đánh bom
Đại hội đồng FIFA khai mạc vào chiều 29-5 và kéo dài đến rạng sáng 30-5 ngay sau khi cảnh sát Thụy Sĩ nhận được lời đe dọa đánh bom địa điểm tổ chức. Chủ tịch LĐBĐ Brazil bỏ dự họp trong khi xuất hiện thông tin từ báo chí Ý khẳng định FIFA can thiệp vào kết quả trận Ý - Hàn Quốc ở World Cup 2002.
Từ Giải Quần vợt Pháp mở rộng, tay vợt R.Federer (Thụy Sĩ) cho biết anh cảm thấy thất vọng với vụ bê bối của FIFA và khẳng định nếu ai đó lừa dối mọi người thì sẽ không xứng đáng có mặt ở FIFA.
Theo nld.com.vn