Cần hướng đến một kỳ thi quốc gia

    Nhiều ý kiến cho rằng thay vì loay hoay đưa ra những quy định về tuyển sinh không có tính khả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật tốt để chuẩn bị cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia

    Nhiều ý kiến cho rằng thay vì loay hoay đưa ra những quy định về tuyển sinh không có tính khả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật tốt để chuẩn bị cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia

     

    “Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn mấy năm nay tuyển sinh theo kỳ thi 3 chung và kết quả khá khả quan. Tự chủ tuyển sinh trường vẫn làm được nhưng lúc này mà thực hiện là chết vì không tuyển sinh được” - GS-TS Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, nhận định. Nhiều trường ĐH ở phía Nam cũng cho rằng không dám tổ chức tuyển sinh riêng khi mà những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) còn bó buộc các trường.

    Nhiều rào cản

    Ông Lượng cho rằng những quy định mà bộ đưa ra không những không bảo đảm quyền tự chủ của các trường mà còn khiến các trường nản lòng khi muốn tự chủ tuyển sinh. Ông phân tích: Dù bộ đã cho các trường tự chủ tuyển sinh được dùng kết quả thi “3 chung” để xét tuyển nhưng lại trói các trường bằng quy định các trường tự chủ tuyển sinh không được luân chuyển kết quả cho nhau, nghĩa là không được công nhận kết quả của nhau. Với quy định này, các trường dù có thực hiện tự chủ tuyển sinh thì cũng chẳng có thí sinh nào dám thi vào vì lỡ không đậu vào trường này thì cũng không được dùng kết quả đó đi xét tuyển ở trường khác như thi “3 chung”.

     
    Thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Công nghệ TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
     

    “Đưa ra quy định này bộ có cái lý là mỗi trường có phương án, cách tuyển sinh riêng nên không thể chấp nhận kết quả của nhau nhưng bộ đã quên đi rằng các trường có các ngành, chuyên ngành và mục tiêu đào tạo giống nhau thì hoàn toàn dùng kết quả của nhau. Lẽ nào Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn lại không được tuyển thí sinh không trúng tuyển của Trường ĐH Bách khoa hay ĐH Sư phạm Kỹ thuật ở một số ngành giống nhau...?” - ông Lượng băn khoăn.

    PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP HCM, đặt vấn đề: Bộ dựng lên những rào cản đối với những trường thực hiện tự chủ tuyển sinh để làm gì và liệu những rào cản mà bộ đưa ra có làm cho chất lượng giáo dục tốt hơn không? Ông Tống cho rằng những cấm cản của bộ đã đi ngược lại với công cuộc đổi mới giáo dục.

    Tăng kiểm soát đầu ra

    Ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng những quy định của bộ về điểm sàn của kỳ thi 3 chung hay kiểm soát đầu vào của các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh suy cho cùng chỉ là quản lý đầu vào.

    ThS Trần Thanh Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, cho rằng tăng quyền tự chủ cho các trường đồng nghĩa với việc tự chịu trách nhiệm. Phải tạo điều kiện để các trường tuyển sinh được khi đó các trường tự động tăng chất lượng và cạnh tranh nhau. Chất lượng đào tạo sẽ quyết định sự tồn tại của từng trường.

    ThS Nguyễn Cao Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, nói yếu tố đầu vào không quyết định nhiều đến chất lượng đầu ra. Do vậy, thay vì kiểm soát đầu vào, bộ nên tăng cường hậu kiểm để kiểm soát đầu ra của các trường. Đồng quan điểm, GS Đào Văn Lượng cho rằng yếu tố đầu vào quyết định không quá 30% chất lượng đầu ra. Quan trọng nhất vẫn là khâu đào tạo của mỗi trường. Vì vậy, những học sinh tốt nghiệp THPT hoàn toàn có đủ khả năng học ĐH.

    PGS-TS Nguyễn Thiện Tống chỉ ra rằng các chương trình nước ngoài không cần thi tuyển mà họ chỉ tuyển học sinh qua kết quả THPT nhưng chất lượng đầu ra vẫn rất tốt. Điều này có nghĩa chất lượng đầu vào không phải là yếu tố quyết định. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo trong trường ĐH, CĐ.

    Nhiều ý kiến cho rằng thay vì loay hoay ra quy định này quy định kia, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật tốt để chuẩn bị cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia. Đồng thời, từ nay đến 2016 vẫn tổ chức kỳ thi “3 chung”. Làm được như vậy, bộ không lo chất lượng đầu vào ĐH kém lại rút được kinh nghiệm cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia lấy kết quả xét vào ĐH sẽ thực hiện trong vài năm nữa.

    Giữ cơ chế xin-cho?

    GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng xu hướng trên thế giới hiện nay là mở đầu vào, tăng kiểm định chất lượng để bảo đảm chất lượng đầu ra nhưng bộ lại làm ngược bằng cách tăng kiểm soát đầu vào và mở đầu ra.

    Theo ông Nhĩ, vừa qua, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã kiến nghị “5 bỏ” đã phản ánh nguyện vọng của các trường như bỏ điểm sàn; bỏ khối thi; không bắt buộc các trường nộp đề án tuyển sinh; bỏ quy định cấm các trường thi riêng không được lấy kết quả của trường thi chung… “Việc bộ đưa ra những quy định trói buộc các trường có lẽ là muốn giữ cơ chế xin cho bởi một khi thực hiện tự chủ hoàn toàn thì quyền lực của bộ giảm đi” - ông Nhĩ nói.

     

     

    Theo nld.com.vn