Đề xuất “5 bỏ” không phù hợp với Luật Giáo dục ĐH
Đây là nhận định của GS Nguyễn Minh Thuyết xung quanh nội dung đề xuất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Đây là nhận định của GS Nguyễn Minh Thuyết xung quanh nội dung đề xuất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
GS-Nguyễn Minh Thuyết
Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, GS Thuyết cho biết:
"Tôi đã đọc một số ý kiến, trong đó có nói Bộ GD&ĐT vi phạm Luật GD đại học, bởi Luật đã quy định các trường ĐH được tự chủ trong tuyển sinh. Nhưng tôi cho rằng Bộ GD&ĐT không vi phạm Luật.
Tự chủ tuyển sinh có nghĩa là các trường có thể tổ chức thi tuyển hoặc xét tuyển, thi chung hoặc thi riêng, phù hợp với điều kiện của mình. Việc này Bộ GD&ĐT đã có quyết định rồi.
Về kỳ thi “3 chung”, không phải muốn bỏ là bỏ ngay được, vì hiện nay hầu hết các trường vẫn muốn tham gia. Sau này, theo lộ trình đã xác định, các trường sẽ tách ra để tuyển sinh riêng.
Tạm giữ kỳ thi “3 chung” trong lúc tích cực chuẩn bị điều kiện để “ở riêng” cũng là quyền tự chủ của các trường, không có gì sai.
Về việc giữ hay bỏ hình thức thi tuyển sinh ĐH, theo tôi, đây cũng là sự lựa chọn của mỗi trường: Có thể xét tuyển, có thể thi tuyển, thậm chí có những trường có thể thi tuyển rất khó để tuyển chọn sinh viên phù hợp với mục tiêu đào tạo của mình.
Tôi cho rằng đây là quyền tự chủ của các trường; những trường không muốn tổ chức thi không nên ép các trường ĐH khác cũng bỏ thi như mình, vì như vậy lại xâm phạm quyền tự chủ của trường khác. Vô hình trung chính những đề xuất này lại đang vi phạm Luật, không cho trường khác có được quyền tự chủ.
Về đề xuất bỏ điểm sàn, tôi cho rằng đây cũng là vấn đề liên quan đến quyền của các trường trong việc lựa chọn phương thức tuyển sinh. Nếu tuyển sinh riêng thì có điểm chuẩn riêng của mình. Nhưng đã thi “3 chung” thì phải có điểm sàn. Còn nếu không có điểm sàn thì “3 chung” thế nào?
Thi “3 chung” thì cần thi theo khối. Về nguyên tắc, trong một vài năm còn tiếp tục “3 chung”, các trường có thể đề xuất sắp xếp khối thi cho hợp lý hơn.
Nhưng tôi cho rằng “3 chung” đã thực hiện hàng chục năm rồi, việc tổ chức các khối thi cũng đã được điều chỉnh một vài lần, để như hiện nay là tương đối hợp lý. Còn trường nào thấy khối thi không phù hợp, có thể tách ra tuyến sinh riêng.
Cuối cùng, về đề xuất bỏ yêu cầu các trường báo cáo đề án tuyển sinh riêng lên Bộ GD&ĐT, tôi cho rằng đó là một đề xuất không thực tế. Bộ là cơ quan quản lý nhà nước về GD&ĐT, phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và xã hội về chất lượng đào tạo của các trường.
Trong tình hình hiện nay, rất nhiều trường chưa đảm bảo các điều kiện đào tạo, chưa biết phương án tuyển sinh của họ hợp lý đến đâu, Bộ không thể buông hết cho các trường muốn làm thế nào thì làm".
Theo nhận định của GS, đề xuất “5 bỏ” có những điểm không hợp lý, vậy mục đích của đề xuất này là gì?
- Tôi không nghĩ rằng mình là người thích hợp để trả lời câu hỏi này. Tôi hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà nhiều trường ĐH ngoài công lập đang phải trải qua.
Tuy vậy, các trường gặp khó khăn cũng nên bình tâm phân tích xem nguyên nhân trường mình chưa thu hút được sinh viên là gì. Có xác định đúng nguyên nhân thì mới tìm ra giải pháp khắc phục được.
Thưa GS, khi đưa ra những đề xuất trên, có không ít ý kiến đã đưa ra mô hình một số quốc gia không tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào ĐH…
- Tôi có nghiên cứu cách tuyển sinh đại học ở Pháp. Bình thường, để vào một trường đại học khoa học (universite) của Pháp, người có bằng tốt nghiệp phổ thông chỉ cần ghi danh. Nhưng vào rồi có ra được không lại là chuyện khác, bởi vì người ta sàng lọc rất nghiêm khắc.
Còn để vào các trường lớn (grande ecole) thì phải trải qua kỳ thi tuyển sinh rất khắt khe. Nhưng vào được rồi thì các công ty tìm đến cấp học bổng ngay, khả năng ra trường có việc làm thu nhập cao là chắc chắn. Tôi nghĩ ở các nước phát triển khác cũng vậy thôi. Chẳng hạn, vào được Harvard đâu có dễ!
Tuy vậy, tuyển sinh chỉ là một khâu trong quy trình đào tạo thôi. Điều quan trọng nhất là phải đảm bảo các điều kiện đào tạo, chất lượng đào tạo. Được như vậy thì tuyển sinh có khắt khe mấy, thí sinh cũng cố thi vào. Còn ngược lại, có mở toang cửa cũng không ai muốn vào.
Xin cảm ơn Giáo sư!