Môi trường để HS-SV rèn luyện ngày càng được mở rộng

    Đó là nhận định của TS Huỳnh Minh Sơn - Trưởng ban công tác HSSV ĐH Đà Nẵng

     Đó là nhận định của TS Huỳnh Minh Sơn - Trưởng ban công tác HSSV ĐH Đà Nẵng 

     

     

    Nhận định trên được TS Sơn đưa ra tại Hội nghị tổng kết 7 năm thực hiện Hướng dẫn số 619/ĐHĐN -HSSV và Quy định số 60/2007/QĐ-BGDĐT về đánh giá kết quả rèn luyện HSSV và Quy định số 740/ĐHĐN - ĐT về công tác giảng viên chủ nhiệm được tổ chức ngày 19/3.

    Trên cơ sở Quy chế đánh giá kết quả rèn luyện (ĐGKQRL) của HSSV của Bộ GD&ĐT cùng hướng dẫn của ĐH Đà Nẵng, các trường thành viên đã cụ thể hóa nội dung, tiêu chí và khung điểm ĐGKQRL của Bộ GD&ĐT phù hợp với thực tiễn của từng trường theo 5 nội dung: ý thức học tập; ý thức và kết quả chấp hành nội quy, quy chế trong nhà trường; ý thức và kết quả tham gia các hoạt động chính trị xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội; phẩm chất công dân và quan hệ với cộng đồng; ý thức, kết quả tham gia phụ trách lớp, các đoàn thể, tổ chức khác trong nhà trường hoặc các thành tích đặc biệt trong học tập và rèn luyện của HSSV.

    Theo đánh giá của Ban công tác HSSV ĐH Đà Nẵng, một số trường đã thể hiện được tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt cụ thể hóa các nội dung đánh giá phù hợp với yêu cầu đổi mới GD ĐH và của nhà trường. 

    Những khó khăn khi chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang tín chỉ như: tổ chức quản lý lớp sinh hoạt và lớp học phần, theo dõi và ĐGKQRL của SV, công tác phát triển Đảng và hoạt động của Đoàn hội… đã dần được khắc phục bằng các biện pháp cụ thể, sáng tạo phù hợp với Quy chế HSSV và Quy chế đào tạo theo học chế tín chỉ. 

    Một trong những giải pháp tích cực mà một số trường đang thực hiện là phát huy tính chủ động, tự rèn luyện của HSSV thông qua việc tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện, tổ chức cho SV tham gia các loại hình CLB về học thuật, nghề nghiệp, văn hóa, thể thao, thông qua đó đánh giá rèn luyện của HSSV. 

    Thông qua các hoạt động ngoại khóa như Mùa hè xanh, hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi, các hội thi SV tài năng… đã môi trường thuận lợi, động viên, thúc đẩy HSSV sống vui tươi, lành mạnh, rèn luyện đạo đức, phẩm chất, kỹ năng, có lối sống lành mạnh và có ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

    Đến nay, ĐH Đà Nẵng có 865 giáo viên chủ nhiệm (GVCN), trong đó trường ĐH Bách khoa có 258 GVCN, trường ĐH Kinh tế: 131, trường ĐH Sư phạm: 123, trường ĐH Ngoại ngữ có 174, trường CĐ Công nghệ có 119, trường CĐ Công nghệ thông tin: 36, Khoa Y Dược: 7, Phân hiệu KonTum có 17 GVCN. 

    Công tác tập huấn, bồi dưỡng GVCN được quan tâm, chú trọng đúng mức, nhờ đó phát huy được vai trò của GVCN tham gia quản lý lớp, duy trì nề nếp và hoạt động của lớp sinh hoạt, ngay cả trong điều kiện hạn chế thời gian của phương thức đào tạo theo tín chỉ. 

    Để thuận tiện cho việc quản lý, gắn bó với lớp, các trường thường phân công một GVCN đảm nhận lớp trong suốt quá trình đào tạo, hạn chế các trường hợp một GV phải đảm nhận GVCN của nhiều lớp. 

    GVCN thực sự trở thành “một mạng lưới” và là một “kênh quan trọng” hỗ trợ đắc lực cho công tác HSSV nói riêng, công tác của nhà trường nói chung.

     

    Theo Báo Giáo dục & Thời đại