Nấm phổi: Thường gặp nhưng dễ bỏ qua

     Nấm phổi thì ít gặp hơn nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virut phổi nhưng cũng là một vấn đề hết sức đáng quan tâm trong bối cảnh các bệnh phổi do viêm nhiễm nói chung.

     Nấm phổi thì ít gặp hơn nhiễm khuẩn hoặc nhiễm virut phổi nhưng cũng là một vấn đề hết sức đáng quan tâm trong bối cảnh các bệnh phổi do viêm nhiễm nói chung. Nấm phổi hay gặp tùy thuộc vào vùng địa lý và đặc biệt ở những bệnh nhân có suy giảm miễn dịch và người cao tuổi với một bệnh cảnh lâm sàng phong phú, từ nhẹ không có biểu hiện triệu chứng đến mức độ nặng có thể gây tử vong.

    Ai có nguy cơ mắc nấm phổi?
     
    Tỷ lệ nấm phổi tăng vọt trong thời gian gần đây có nguyên nhân do tăng nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm nấm. Đó là những người bị suy giảm miễn dịch trong các bệnh ung thư máu, tủy xương, u lympho và hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV/AIDS). Đối tượng suy giảm miễn dịch cũng bao gồm những người đang phải dùng các thuốc ức chế miễn dịch như người sau khi được ghép tạng, bị bệnh khớp mạn tính, bị các bệnh tự miễn, dị ứng, bị các bệnh hệ thống như bệnh Luput ban đỏ và thậm chí những bệnh nhân cao tuổi bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản... lạm dụng việc sử dụng thuốc corticoide. Một đối tượng nữa cũng rất dễ bị nấm phổi - đó là những bệnh nhân lao phổi, nhất là lao thể hang. Bên cạnh đó, các yếu tố môi trường như tốc độ đô thị hóa nhanh, thay đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các thảm họa tự nhiên như sóng thần, bão, lốc xoáy... cũng góp phần vào việc tăng tỷ lệ bệnh nhân nhiễm nấm, trong đó có nấm phổi.
     
     
    Hình ảnh phổi bình thường và phổi bị nấm.
     
    Đường lây và biểu hiện của nấm phổi
     
    Nấm lây nhiễm chủ yếu qua con đường không khí. Người hít phải những bào tử nấm nhỏ bay lơ lửng trong không khí, vào phổi, nếu có điều kiện thuận lợi (vật chủ bị suy giảm miễn dịch) sẽ phát triển và gây bệnh. Biểu hiện của nhiễm nấm phổi thường không điển hình và dễ nhầm lẫn với các viêm nhiễm khác ở phổi như viêm phổi do vi khuẩn, lao phổi... Khởi đầu bệnh nhân thấy mệt mỏi, ăn uống kém, ho nhiều, sốt nhẹ, tức ngực. Nặng hơn có thể có ho khạc đờm lẫn máu, đau ngực, khó thở. Ho ra máu là một triệu chứng rất hay gặp, kể cả ho ra máu kiểu “sét đánh” và triệu chứng này cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhân vào viện khám cũng như hay gây nhầm lẫn với ho ra máu do lao phổi. Chụp XQ phổi chỉ cho hình ảnh như những viêm nhiễm thông thường mà ít đặc hiệu cho nhiễm nấm phổi.
     
    Làm sao để không mắc bệnh?
     
    Điều trị nấm phổi bằng các thuốc như amphotericin B. Đây là một loại thuốc có hiệu quả trong điều trị nhiều loại nấm tuy vẫn còn một số tác dụng phụ. Ngoài amphotericin B, một số loại thuốc khác cũng đang được sử dụng để điều trị nấm phổi như intraconazole, voriconazole... Phẫu thuật lấy bỏ hang và u nấm, cắt thùy phổi, cắt phổi nhiễm nấm nặng thường được chỉ định cho một số bệnh nấm phổi cụ thể như nấm phổi đáp ứng kém hoặc không đáp ứng với điều trị nội khoa, nấm phổi có biến chứng ho ra máu dai dẳng, ho ra máu sét đánh...
     
    Dự phòng nhiễm nấm phổi thực sự là một công việc khó khăn bởi do có tới 75.000 loại nấm có thể gây bệnh cho con người và chúng có thể có mặt ở khắp nơi như không khí, nước, bụi bẩn... và thật khó tránh khỏi hít phải những phần tử vô cùng nhỏ đang... bay lượn trong không khí. Tuy vậy, cũng có một số biện pháp dự phòng để hạn chế việc nhiễm nấm phổi như chủ động phòng ngừa ở những đối tượng có nguy cơ cao. Điều trị kịp thời bệnh nhân bị nhiễm nấm phổi để tránh lây lan ra cộng đồng. Cuối cùng, cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu thêm về cơ chế bệnh sinh của nhiễm nấm nói chung và nấm phổi nói riêng, từ đó có thể sản xuất những loại thuốc chống nấm mới có hiệu quả cũng như tìm được loại vaccin chống nấm để sử dụng phòng ngừa chủ động cho những đối tượng có nguy cơ cao.
     
    Theo SKDS